top of page

Cách Dạy và Học:

Học Online không quy định thời gian học tập trung. Sinh viên có thời gian rảnh khi nào thì có thể vào lớp để đọc sách, trả lời các câu hỏi thảo luận, viết bài, hoặc làm bài thi trắc nghiệm..v.v. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động học tập mà giáo sư đưa ra cho mỗi tuần thì phải hoàn tất trong tuần đó từ Thứ hai cho đến Chúa nhật. Có nghĩa là, bước sang mỗi Thứ hai thì sinh viên phải làm các bài tập của một tuần học mới. Sinh viên có thể vào lớp học bất cứ lúc nào, nhưng thời gian tối thiểu mà sinh viên phải đầu tư cho mỗi lớp học là không ít hơn 20 giờ cho mỗi tuần/8 tuần học. Đối với giáo sư thi tất nhiên là thời gian đầu tư cho lớp học cũng phải tương đương hoặc nhiều hơn số giờ học của sinh viên.

Các Hoạt Động Học Tập

 

Đọc sách: Các sinh viên phải có nghĩa vụ đọc sách giáo khoa và sách tham khảo mỗi tuần. Sách giáo khoa là "thầy" quan trọng trong một lớp học online. Bởi vì, kiến thức của sinh viên phần lớn là đến từ việc đọc sách giáo khoa. Nhờ việc đọc sách giáo khoa mà sinh viên có thể thực hiện tốt các hoạt động khác của lớp học. Sinh viên không được thực hiện các hoạt động khác trước khi đã đọc xong các phần sách phải đọc trong mỗi tuần.

Phúc trình [tóm lược] sách giáo khoa: Sau khi đọc các phần sách giáo khoa do giáo sư quy định, sinh viên phải viết bài phúc trình giáo khoa; phần này có nêu lên những nhận xét, suy tư, phản biện, và các bài học…. của sinh viên qua phần đọc giáo khoa của mỗi tuần. 

 

Tham gia thảo luận: Trong mỗi tuần học, giáo sư sẽ đưa ra các câu hỏi thảo luận có liên hệ đến nội dung của phần sách giáo khoa đã đọc trong tuần. Các câu trả lời của sinh viên phải sử dụng thông tin từ phần sách giáo khoa/sách tham khảo đã đọc trong tuần, cùng với sự hiểu biết cá nhân, hoặc các nguồn tài liệu mà sinh viên đã thu nhận từ bên ngoài.  

Làm bài thi trắc nghiệm: Trong mỗi tuần học, sinh viên phải làm bài trắc nghiệm theo phương thức chọn các câu trả lời đúng nhất, các câu hỏi trắc nghiệm phải có liên hệ đến nội dung của phần sách giáo khoa mà sinh viên đã đọc trong tuần đó. Lợi ích của việc giáo sư cho sinh viên viết phần phúc trình giáo khoa, tham gia thảo luận, và làm bài trắc nghiệm là để giúp sinh viên nắm bắt kiến thức từ các tài liệu giáo khoa, rèn luyện khả năng viết, suy luận, phản biện, và áp dụng vào đời sống tâm linh.

Bài viết ngắn (giữa khóa): Sau hai hay ba tuần học, giáo sư sẽ cho sinh viên viết một bài luận ngắn, đề của bài viết phải liên hệ với các chủ đề “thần học” mà sinh viên đã đọc từ sách giáo khoa trong các tuần vừa qua.  

Bài khóa luận (cuối khóa): Bước sang tuần thứ bảy, giáo sư cho sinh viên chuẩn bại đề tài để viết bài khóa luận và nộp bài  vào tuần thứ tám, các đề tài của bài viết có thể do sinh viên tự chọn hoặc do giáo sư đưa ra. Tuy nhiên, chủ đề của các bài viết phải liên hệ đến môn học và các vấn đề mà sách giáo khoa đã đề cập. 

Bài đánh giá lớp học: Tại tuần cuối của lớp học, sinh viên được yêu cầu thực hiện bài đánh giá lớp học. Mục đích của bài đánh giá này là nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. (Phần hoạt động đánh giá lớp học này không được tính điểm.)

 

Quy Định về Số Lượng Hoạt Động Học Tập

V.B.I. hiện đang có nhiều phân khoa từ Cử nhân đến Tiến sĩ. Vì thế, tùy theo từng phân khoa mà số lượng hoạt động-học tập có thể khác nhau, nhưng sẽ không ít hơn hay nhiều hơn số lượng đã được quy định như sau:

 

Cử Nhân: (Quy định cho mỗi tuần học)

   1. Đọc từ 1-2 chương sách giáo khoa và 1 chương sách tham khảo

   2. Viết bài phúc trình (tóm lược) sách giáo khoa, từ 2-3 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12. (không cần thực hiện nếu như đã áp dụng phần # 6)

   3. Trả lời các câu hỏi thảo luận, từ 1-2 câu hỏi

   4. Tương tác với bạn cùng lớp và giáo sư, đặt câu hỏi cho 2-3 bạn đồng lớp, trả lời tất cả các câu hỏi của bạn đồng lớp hoặc giáo sư đã hỏi mình.

   5. Làm bài thi trắc nghiệm, từ 10-15 câu hỏi (không cần thực hiện nếu như đã áp dụng phần # 2)

   6. Viết bài viết ngắn, 1-2 bài viết ngắn dài từ 3-5 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12.

   7. Viết bài cuối khóa, 1 bài khóa luận dài từ 10-12 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12.

   8. Làm bài đánh giá lớp học, từ khóa 31 tất cả các sinh viên phải làm bài đánh giá lớp học (không tính điểm).

 

Cao Học: (Quy định cho mỗi tuần học)

   1. Đọc từ 1-2 chương sách giáo khoa và 2 chương  sách tham khảo

   2. Viết bài phúc trình (tóm lược) sách giáo khoa, từ 3-5 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12. (không cần thực hiện nếu như đã áp dụng phần # 6)

   3. Trả lời các câu hỏi thảo luận, từ 2-3 câu hỏi

   4. Tương tác với bạn cùng lớp và giáo sư, đặt câu hỏi cho 3 bạn đồn lớp, và 1 câu hỏi cho giáo sư, đồng thời trả lời tất cả các câu hỏi của bạn đồng lớp hoặc giáo sư đã hỏi mình.

   5. Làm bài thi trắc nghiệm, từ 15-20 câu hỏi (không cần thực hiện nếu như đã áp dụng phần # 2)

   6. Viết bài viết ngắn, 1-2 bài viết ngắn dài từ 5-7 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12.

   7. Viết bài cuối khóa, 1 bài khóa luận dài từ 15-20 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12.

   8. Làm bài đánh giá lớp học, từ khóa 31 tất cả các sinh viên phải làm bài đánh giá lớp học (không tính điểm).

 

Tiến Sĩ: (Quy định cho mỗi tuần học)

   1. Đọc 2 chương sách giáo khoa và 2 chương  sách tham khảo

   2. Viết bài phúc trình (tóm lược) giáo khoa, từ 4-6 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12. (không cần thực hiện nếu như đã áp dụng phần # 6)

   3. Trả lời các câu hỏi thảo luận, từ 2-4 câu hỏi

   4. Tương tác với bạn cùng lớp và giáo sư, đặt câu hỏi cho 3 bạn đồng lớp, và 2 câu hỏi cho giáo sư, đồng thời trả lời tất cả các câu hỏi của bạn đồng lớp hoặc giáo sư đã hỏi mình.

   5. Làm bài thi trắc nghiệm, từ 15-20 câu hỏi (không cần thực hiện nếu như đã áp dụng phần # 2)

   6. Viết bài viết ngắn, 1-2 bài viết ngắn dài từ 6-8 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12.

   7. Viết bài cuối khóa, 1 bài khóa luận dài từ 12-20 trang dòng đôi, font Time News Roman, size 12.

   8. Làm bài đánh giá lớp học, từ khóa 31 tất cả các sinh viên phải làm bài đánh giá lớp học (không tính điểm).

 

Công Việc của Giáo Sư

· Cầu nguyện cho lớp học và các sinh viên.

· Chào mừng và tự giới thiệu với các sinh viên.

· Cung cấp một hướng dẫn về kỹ thuật cơ bản để các sinh viên biết cách trả lời (reply) các câu hỏi, upload, download các tài liệu nếu có.

· Cung cấp một giáo trình (syllabus) của lớp học gồm các phần như sau: 

   1. Thông tin về giáo sư. 

   2. Phương tiện và thời gian (cụ thể) để sinh viên liên lạc với giáo sư. 

   3. Mục đích của lớp học. 

   4. Phương pháp học. 

   5. Kết quả sau lớp học.

   6. Phương cách chấm điểm, cụ thể về số phần trăm (%) của: điểm phúc trình giáo khoa, điểm thảo luận, điểm trắc nghiệm, điểm bài viết giữa khóa, điểm bài khóa luận, và điểm thưởng (nếu có); 

   7. Cung cấp lịch trình học tập (cụ thể) từ tuần 1 đến tuần 10 (tính luôn tuần đọc sách và tuần tổng kết). Phần này phải ghi rõ những hoạt động học tập mà sinh viên cần phải thực hiện trong mỗi tuần. 

    · Phải tương tác với sinh viên: đưa ra lời nhận xét, điều chỉnh, khích lệ, hoặc đặt câu hỏi đối với các bài thảo luận của các sinh viên. Đồng thời, phải đưa ra lời phê của giáo sư cho bài viết ngắn và bài khóa luận của sinh viên.

    · Phải trả lời các câu hỏi của sinh viên có liên hệ đến lớp học (nếu có) trong vòng 24 tiếng và chậm nhất là 48 tiếng.

   · Mỗi cuối tuần học (Thứ bảy hay Chúa nhật), giáo sư phải đưa ra bài giảng-huấn của mình về tuần học đó cho các sinh viên. Đồng thời, đưa ra sự đánh giá lớp học nói chung cho cả lớp hoặc các cá nhân từng sinh viên của giáo sư đối với lớp học trong tuần vừa qua. Sau đó, nếu cần thì giáo sư phải đưa ra phương hướng và mục tiêu mới cho lớp học để chuẩn bị cho tuần học tiếp theo đạt được kết quả như mong đợi.

    · Sau khi kết thúc lớp học, giáo sư phải vào phần Kế Hoạch Học Tập của các sinh viên để vào điểm cho sinh viên, và đồng thời gửi bảng điểm về cho phòng học vụ trễ nhất là cuối tuần thứ 12 (hai tuần sau khi tuần thứ 10 của lớp học kết thúc). Bảng điểm phải ghi rõ tên giáo sư, tên môn học, tên khóa học, điểm hạng của sinh viên, và tên của sinh viên phải ghi đầy đủ.

    · Giáo sư phải công bố điểm số cho sinh viên ngay sau khi kết thúc tuần học thứ 10 (tuần cuối) của lớp học.

    · Phải thông báo trong lớp học, để giúp sinh viên biết vào mục ghi danh lớp học của khóa mới vào tuần thứ bảy. Đồng thời, giáo sư cần cố vấn cho những sinh viên nào chưa biết cách chọn lớp mới. Nếu giáo sư không rõ trong mọi vấn đề nêu trên thì vui lòng liên lạc với phòng học vụ. 

 

Công Việc của Học Viên

 

    · Cầu nguyện cho giáo sư và lớp học trước khi “bước” vào lớp học.

    · Giới thiệu về mình với giáo sư đứng lớp và các bạn cùng lớp.

    · Phải nắm rõ những kỹ năng về việc học online, nếu chưa rõ phải liên lạc với giáo sư đứng lớp hoặc các bạn học khác. Sau khi đã tìm sự giúp đỡ từ giáo sư đứng lớp và các bạn học mà vẫn chưa rõ thì mới liên lạc với phòng học vụ. Email của phòng học vụ là: giamhoc@thevbi.net.

    · Tải tài liệu sách giáo khoa và sách tham khảo về máy, hoặc in ra giấy nếu cần.

    · Đọc và hiểu giáo trình (syllabus) của giáo sư. Nếu có điều gì chưa rõ phải hỏi giáo sư đứng lớp ngay tuần lễ đầu tiên.

    · Việc đầu tiên trong những ngày đầu tuần là đọc sách giáo khoa theo hướng dẫn từ giáo trình của lớp học.

    · Viết bài phúc trình/tóm lược giáo khoa: Không được copy and paste hoặc copy bài của các bạn cùng lớp; phải viết bằng sự hiểu biết và bằng ngôn ngữ của chính mình. Ngoài phần tóm lược nội dung phải đưa ra được những nhận định cá nhân về nội dung giáo khoa, như: những điều đồng ý, không đồng ý, chứng minh cho lập luận của mình….

    · Trả lời các câu hỏi thảo luận của giáo sư đưa ra, và phải tương tác với các phần thảo luận của các bạn cùng lớp. Trong khi tương tác với giáo sư và sinh viên khác phải dùng từ ngữ sao cho thích hợp, để thể hiện tinh thần khiêm nhường và tôn trọng người khác, là những điều có cần của một sinh viên thần học.

    · Làm bài trắc nghiệm: sau khi đã đọc và tham gia thảo luận, sinh viên cảm thấy đã thấu hiểu sách giáo khoa thì mới nên làm bài trắc nghiệm, nhưng không được trễ hơn thời gian mà giáo sư đã quy định. Nếu có sự cố ngoài ý muốn, sinh viên phải liên lạc ngay với giáo sư đứng lớp để xin được gia hạn.

    . Nếu như đề tài thảo luận có liên quan, sinh viên có quyền thảo luận hay bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội, nhưng tuyệt đối không được tuyên truyền hay nói những điều có lợi cho chủ nghĩa cộng sản vô thần. Đặc biệt, sinh viên không được nêu các vấn đề của cá nhân hay Hội Thánh nhằm mục đích kêu gọi tài chánh trong phạm vi của lớp học. Nếu có vấn đề quan trọng liên hệ đến tài chánh phải liên lạc với phòng Giám học.

bottom of page